Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ có buổi công chiếu truyền thông tối 30/11 tại TP.HCM đã để lại nhiều cảm xúc cho người xem
Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ là bộ phim đầu tiên diễn viên Việt Anh đứng máy với vai trò biên kịch kiêm đạo diễn cùng Nguyễn Thu. Phim có nội dung đơn giản, kể về ca sĩ Họa Mi – con gái một tỷ phú tên Tống (nghệ sĩ Hoàng Dũng) trong lĩnh vực xây dựng. Vì tranh giành gói thầu lớn, tiểu thư xinh đẹp và nổi tiếng bỗng trở thành con tin đối tác của cha. Điều này khiến ông Tống phải thuê vệ sĩ tài giỏi Kevin (Mạc Hồng Quân) để theo sát bảo vệ con gái trong chuyến đi khám phá Hạ Long cùng nhóm bạn thân. Từ đây, câu chuyện phim thực sự mới bắt đầu.
Không khó để nhận ra ý đồ của đạo diễn Việt Anh là khắc họa sự chuyển biến tâm lý của tiểu thư Họa Mi có tính cách đỏng đảnh, ương bướng và không nghe lời cha lẫn các vệ sĩ. Trước khi Kevin xuất hiện, đã có khoảng 50 vệ sĩ “đau tim” vì sự quái chiêu của cô nàng.
Phương Trinh tỏa sáng ở vai tiểu thư
Chính xác, Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ là dự án phim thứ ba ra rạp trong năm nay của Phương Trinh nhưng lại là bộ phim cô quay đầu tiên. Phim bấm máy từ tháng 9/2015 đánh dấu sự trở lại của “bà mẹ nhí” sau hơn 3 năm rời xa màn ảnh và dính nhiều thị phi. Tuy nhiên, đạo diễn Việt Anh đã không sai khi lựa chọn Phương Trinh bởi nếu không là cô thì khó tìm được nữ diễn viên nào lột tả được vẻ sành điệu, ngang bướng, đỏng đảnh của một cô tiểu thư và cũng chính Phương Trinh cũng khiến người xem xúc động ở những trường đoạn đòi hỏi tâm lý nhân vật.
Thành công của Phương Trinh là khắc họa được sự chuyển biến tâm lý của nhân vật sau hàng loạt tình cảnh cô thoát chết nhờ sự hy sinh của những người thân như mẹ và vệ sĩ Kevin. Từ một cô tiểu thư đỏng đảnh, lắm chiêu, cô dần biết lắng nghe, trân trọng tình cảm của cha và người vệ sĩ thân cận. Cảnh phim Phương Trinh khiến người xem xúc động là cảnh cô trở nên ngang tàn, khiến nhóm bạn thân bị tổn thương và bỏ đi. Cô thể hiện rõ bản thân là người có tiền và coi những người bạn thân chỉ là người làm thuê ăn lương. Cách diễn mạnh mẽ, dứt khoát cho thấy vai Họa Mi phù hợp Phương Trinh.
Bên cạnh đó, một cảnh quay giúp nhân vật Họa Mi chuyển biến tâm lý chính là khi lắng nghe vệ sĩ Kevin thổi kèn Amonika. Anh đã khóc trong lúc thổi kèn bởi nỗi day dứt không được ở bên vợ và đứa con chưa kịp chào đời lúc mất. Nếu nửa đầu phim, khán giả thấy một Angela Phương Trinh “rửa tiền” của cha bằng những cuộc chơi xa xỉ, ăn mặc sành điệu, gợi cảm, tính cách ngang bướng thì tới nửa phim cuối tính cách cô trở nên trầm lắng, biết phối hợp cùng đội vệ sĩ khi gặp nguy hiểm.
Bên cạnh việc tự tin khả năng diễn xuất, phải thừa nhận Phương Trinh quá đẹp trong từng thước phim của Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ. Khán giả cũng mãn nhãn với hàng loạt trang phục đẹp mắt, hợp xu hướng của một nữ tiểu thư nhà giàu. Đây cũng là điểm đáng ghi nhận trong việc xây dựng tạo hình nhân vật – điều mà nhiều phim Việt không làm được. Trước đó, tạo hình cô giáo Phong Linh của Phương Trinh trong Sứ mệnh trái tim cũng bị chê là ăn mặc sành điệu, không phù hợp với nhân vật.
Bằng Kiều duyên, Mạc Hồng Quân tròn vai
Lần đầu đóng phim, Mạc Hồng Quân không tránh khỏi bỡ ngỡ nhưng diễn xuất của anh dừng lại ở mức tròn vai. Trước đó nhiều người tỏ ra lo lắng cho chàng tiền đạo Than Quảng Ninh vì chỉ quen mặc quần đùi, áo số và chạy theo quả bóng trên sân cỏ. Rất may vai vệ sĩ Kevin là người lạnh lùng, ít bộc lộ cảm xúc nên không đòi hỏi Mạc Hồng Quân phải trổ tài diễn xuất quá nhiều. Theo đó, anh lại ghi điểm ở những pha đánh đấm trên nóc ô tô nguy hiểm, hay cảnh dượt đuổi bằng ca nô cao tốc trên vịnh Hạ Long. Bên cạnh tuyến nam, nữ chính, Bằng Kiều là sự phát hiện đầy thú vị của đạo diễn Việt Anh, Nguyễn Thu.
Không ai nghĩ một ca sĩ vốn điềm đạm, không ồn ào lại diễn hài duyên thế. Cách diễn của anh không bị lố, gây cười bằng những từ ngữ thâm thúy, dí dỏm. Để lột tả tính cách tưng tửng của anh chàng thợ xăm Tình Tattoo, Bằng Kiều không ngại dán hình xăm khắp người, ăn mặc lòe loẹt, nham nhở hay có thể mặc quần đùi kéo lên tới bụng. Điếm nhấn trong những trường đoạn hài của Bằng Kiều chính là khi anh được kết hợp với NSND Hồng Vân. 10 năm trước, họ từng kết hợp trong tiểu phẩm Số đỏ của Vũ Trọng Phụng và chính bà bầu sân khấu kịch Phú Nhuận phải nói rằng, trong số những diễn viên đóng vai Xuân Tóc Đỏ, chị chỉ thích diễn với Bằng Kiều.Với Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ, dù chỉ tái hợp trong khoảng vài phút nhưng họ đủ khiến khán giả nhớ và bật cười. Nếu kịch bản có nhiều tình huống cho họ đối mặt, có lẽ phim sẽ trở nên thu hút hơn.
Vịnh Hạ Long tuyệt đẹp trong Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ
Hình ảnh đẹp chính là điểm cộng lớn nhất của phim. Trong vai tiểu thư – con gái một tỷ phú, khán giả được du lịch qua màn ảnh từ đảo Tuần Châu tới các hòn đảo nổi tiếng nằm trong hệ thống vịnh Hạ Long. Không chỉ lột tả được cuộc sống xa hoa của con gái một tỷ phú, phim còn khiến người xem mát mắt với cảnh núi non hùng vĩ, dòng nước xanh ngắt của vịnh Hạ Long. Sau Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, một lần nữa cảnh quan Việt Nam trở nên tuyệt đẹp trên màn ảnh.
Với những cảnh phim được thực hiện ở Hạ Long, đạo diễn Việt Anh – Nguyễn Thu khéo léo sử dụng công nghệ flycam hiện đại với những cú máy dài, toàn cảnh để mang tới hình ảnh long lanh của kỳ quan thiên nhiên thế giới. Ấn tượng nhất là hình ảnh đảo Mắt Rồng – nơi nhân vật Họa Mi cùng nhóm bạn lui tới để nghĩ dưỡng. Theo chia sẻ của đạo diễn Việt Anh, ê-kíp đã rất khó khăn để thực hiện những cảnh quay nơi đây bởi địa hình khá hiểm trở.
Từ đất liền di chuyển ra tới đảo Mắt Rồng, đoàn phim mất hơn 4 tiếng chạy bằng ca nô cao tốc. Với tham vọng khai thách vẻ đẹp và du lịch nơi đây, họ phải đưa cả ê-kíp hơn 100 người tới đây, chưa kể khó khăn trong việc vận chuyện máy móc, xăng dầu, lương thực trong suốt 1 tuần quay. Nhờ địa hình núi non hiểm trở nên những cuộc dượt đuổi của đội vệ sĩ trên vịnh trở nên gay cấn và hoành tráng, lạ mắt bởi trước đó chưa có một đoàn phim Việt nào đưa cảnh tưởng này lên phim. Đây là sự nỗ lực đáng ghi nhận của đoàn phim.
Bên cạnh hình ảnh kỳ quan thiên thế giới, vẻ xa hoa của đảo Tuần Châu cũng được đoàn phim Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ khai thác. Những cú lia máy dọc con đường từ Quảng Ninh vào Tuần Châu rất ấn tượng – nơi mà nhân vật Họa Mi cùng nhóm bạn hò hét trên chiếc siêu xe mui trần. Kế tiếp, biệt thự Hồng Kông – nơi được một kỹ sư nổi tiếng trên thế giới thiết kế cũng được chúa đảo Đào Hồng Tuyển hỗ trợ để đoàn phim khai thác.
Hiệu ứng cháy nổ thật trên phim
Với 90 phút, bộ phim dành nhiều thước máy khoe vẻ đẹp của vịnh Hạ Long, tuy nhiên, 2 đại cảnh lớn được đoàn phim thực hiện để làm điểm nhấn.
Thứ nhất, đó là cảnh bữa tiệc bikini ngay tại bể bơi trong đảo Tuần Châu với hệ thống âm thanh sắc nét. Hàng trăm diễn viên khoe hình thể trong trang phục áo tắm, nhún nhảy theo tiếng nhạc EDM, còn nhân vật chính Họa Mi được hoàng tử Vpop V-Dragon tỏ tình. Đây cũng chính là bữa tiệc khiến nữ tiểu thư xiêu lòng trước sự ga lăng của V-Dragon (BÌnh An), từ đó cô gặp phải hàng loạt tình huống nguy hiểm do chính anh tạo ra.
Thứ hai là cảnh cháy nổ trên vịnh khi Phương Trinh bị Tài (Hà Việt Dũng) – kẻ thù trên thương trường của cha cô trói giữa. Đây cũng là đại cảnh quay trọng nhất phim. Được sự ủng hộ của Công an Quảng Ninh và Ủy ban Nhân dân tỉnh, nhà sản xuất Thăng Long Real Media đã bỏ ra cả tỷ đồng chỉ để thực hiện một cảnh hoành tráng với hệ thống ca nô dày đặc, dượt đuổi kịch tính trên biển. Đáng chú ý nhất là đoàn phim dám cho nổ một nhà bè (khoảng vài trăm triệu đồng/bè) để tạo hiệu ứng cảnh nổ thật trên phim thay vì dùng công nghệ 3D. Đây được xem là sự liều lĩnh của đoàn phim.
Nói về cảnh quay ấn tượng này, đạo diễn Việt Anh nói: “Việc chỉ được cấp một cái nhà bè, và phải hoàn thành cảnh quay trong vòng 20 giờ, là một áp lực vô cùng khó cho người làm phim. Những cảnh quay cháy nổ không ai làm một lần cả, ít nhất phải 2-3 lần vì nó sẽ gặp những trắc trở và rủi ro. Tuy nhiên khi đặt trong tình huống này, chúng tôi không có lựa chọn thứ hai. Do đó, chúng tôi phải tính toán rất kỹ về góc máy, bố cục khuôn hình trong sự di chuyển của hàng trăm chiếc tàu bè bên cạnh. Tôi nghĩ đây là cảnh quay vất vả nhất của đoàn nhưng cũng là mãn nguyện nhất”.
Mặc dù còn hạn chế về khâu kịch bản đôi đoạn lỏng lẻo, thiếu logic hay nội dung câu chuyện không đặc sắc nhưng theo chia sẻ của đạo diễn Việt Anh, họ chỉ muốn làm một bộ phim có bối cảnh đẹp, quảng bá du lịch nước nhà và thông điệp của bộ phim gửi tới những bạn trẻ rất đơn giản.
Đó là những người trẻ, đặc biệt là những bạn có điều kiện hãy biết trân trọng sự hy sinh, nỗ lực lao động của cha mẹ, đừng để tận khi mọi thứ mất đi mới nhận thấy những điều đơn giản trong cuộc sống.
Bỏ qua một vài hạn sạn mà phim nào cũng sẽ gặp phải ít nhiều thì Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ là bộ phim đáng xem bởi ít nhiều bạn cũng có cơ hội du lịch tới Hạ Long qua màn ảnh nhỏ. Và cũng từ đây, bạn có thể tự hào về danh thắng cảnh Việt Nam tuyệt vời như thế nào.